Giải pháp ứng phó với tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay một số người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này và lo ngại tình trạng bị làm phiền vẫn sẽ tiếp diễn ra cũng như các SIM phát triển mới không đúng quy định.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ quan điểm về trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới); đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.

Trên cơ sở đó trong thời gian qua, ngay sau khi nhận được phản ánh (trong đó có phản ánh từ các cơ quan báo chí), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao. Đồng thời các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.

Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm, Cục sẽ báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giao kết hợp đồng, mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động trên thị trường. Đồng thời, xử lý vi phạm (nếu có) theo các quy định của pháp luật như Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác

Đối với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, ông Nguyễn Phong Nhã nêu, bên cạnh công tác xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định.

Một trong những giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (Voice brandname) các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân cho các cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện kiểm sát… (hiện nay Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối ngành công an).

Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định này.

Ảnh minh họa

Khi người dân nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác đề nghị: Không thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng; kịp thời phản ánh đến các hệ thống tiếp nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông (tổng đài 5656, website: https://thongbaorac.ais.gov.vn/) hoặc tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông; phản ánh tới cơ quan công an tại địa phương với trường hợp tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Cũng theo Cục Viễn thông, Cục đã có các công văn chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định. Các doanh nghiệp viễn thông hiện đang tích cực phối hợp triển khai.

Tuy nhiên, các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.

Cảnh giác khi thấy đầu số điện thoại 1900 gọi tới

Để tránh tiền mất tật mang, người dùng cần nắm vững cách nhận biết các đầu số điện thoại lừa đảo. Các đầu số điện thoại lừa đảo thường xuyên mạo danh nhà mạng, mạo cơ quan tổ chức có thẩm quyền, quảng cáo để tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin cá nhân hoặc có dấu hiệu lừa đảo.

Khi thấy các đầu số này gọi vào máy, bạn hãy cân nhắc không nghe máy và không gọi lại. Trong đó: Đầu số (+1900) gồm có những số điện thoại sau:19003439, 19004510, 19002191, 19003441, 19002170, 19002446, 19001095, 19002190, 19002196, 19004562, 19003440, 19001199,…

Nhận biết kịch bản lừa đảo của kẻ gian

Để chủ động phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua các dấu hiệu như:

Các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng… gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…

Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

Các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,… Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại.

Thủ đoạn lừa đảo của chúng thường là thông báo thông tin giả về việc trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp mật khẩu OTP khách hàng hay lấy lý do nào đó yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

Nên làm gì khi nhận được cuộc điện thoại từ số lạ

Nếu thuê bao di động thường hay nhận được các cuộc điện thoại từ số lạ thì người dùng cần chủ động đề phòng bằng cách:

Người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân; không thực hiện tải và cài đặt các ứng dụng được đối tượng yêu cầu trên điện thoại cá nhân,… 

Không cung cấp những thông tin cá nhân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD.

Không làm theo hướng dẫn của đối tượng như click vào link để nhận tiền, nhận thưởng, nhận quà của người khác tặng,…

Nếu đối tượng nhá máy không nên gọi lại.

Ngoài ra, khách hàng nên nhắn tin, gọi điện báo cáo đến số 156 – tổng đài của các nhà mạng chuyên tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, để các nhà mạng phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Đồng thời, thông báo ngay cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Khánh Mai (t/h)

Giải pháp ứng phó với tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *