Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống xã hội, Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỉnh xác định quan điểm người dân, doanh nghiệp luôn là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số; thụ hưởng những tiện ích chuyển đổi số đem lại.

Cán bộ BHXH huyện Tiên Yên tuyên truyền cho người dân về các tiện ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH.

Những lợi ích thiết thực trong đời sống 

Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên, với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề xây dựng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, cũng như kỹ năng công nghệ của người dân chưa đồng đều, nhưng với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững và cải thiện tích cực chất lượng đời sống nhân dân, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã đã quyết liệt chỉ đạo, nỗ lực tuyên truyền, triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân theo những cách gần gũi, thiết thực nhất.

Cùng các phụ nữ thôn Khe Lục (xã Đại Dực) sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn, chị Nình Thị Hồ cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, thành thạo gõ phím truy cập vào cổng thông tin điện tử của huyện đọc thông tin thời sự được cập nhật hằng ngày. Chị Hồ phấn khởi chia sẻ: Trước đây ở bản còn không sóng điện thoại, giờ thì sóng phủ khắp, còn có cả mạng 4G. Vì vậy người dân chúng tôi cũng sắm điện thoại thông minh, học cách gõ chữ, truy cập vào mạng tìm đọc thông tin, học hỏi kiến thức. Nhờ cái điện thoại này mà bà con các dân tộc ở Đại Dực được biết thêm nhiều điều, từ thông tin thời sự của huyện, của tỉnh, đến những cách làm mới trong trồng lúa, trồng rừng, nuôi gà, nuôi lợn… 

Phụ nữ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) làm quen với điện thoại thông minh và sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Anh Lỷ Văn Quạn (thôn Phài Giác, xã Đại Dực) cũng nhận được rất nhiều lợi ích khi tiếp cận quá trình chuyển đổi số. Từ người nông dân mạnh dạn thí điểm mô hình trồng ớt theo hướng hiện đại, cho sản lượng cao, chất lượng tốt, nhưng vẫn phải trăn trở, lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm, thì nay nhờ sự hướng dẫn của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, anh Quạn đã biết dùng điện thoại thông minh để lập tài khoản trên sàn thương mại điện tử Postmart, đưa nông sản lên sàn để tiêu thụ; có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Hiện sản phẩm “ớt chào mào” của gia đình anh Quạn đã được đánh giá 3 sao và cập nhật lên sàn thương mại điện tử OCOP của tỉnh tại địa chỉ: https://ocopquangninh.com.vn/.

Anh Quạn chia sẻ: Khi bắt đầu thực hiện mô hình trồng ớt tôi luôn lo lắng đầu ra cho sản phẩm, vì chỉ tiêu thụ trong huyện lượng sản phẩm không đáng kể. Từ khi được cán bộ thôn, xã hỗ trợ phổ biến kiến thức và tự tìm hiểu về quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, đầu ra luôn ổn định, mang lại thu nhập khá. Tôi thấy việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số một cách gần gũi, thiết thực như thế này với đồng bào dân tộc chúng tôi là việc làm hết sức ý nghĩa. Điều này không chỉ giúp người dân được cập nhật, tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, mà còn là nơi quảng bá sản phẩm của mình.

Đoàn viên, thanh niên huyện Tiên Yên hướng dẫn người dân xã Đại Dực sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng VNeID để thực hiện các dịch vụ công thiết yếu.

Trao đổi với phóng viên về quá trình đưa việc chuyển đổi số đến với cuộc sống của bà con vùng cao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội, nhưng xã Đại Dực xác định chuyển đổi số phải được thực hiện thật gần gũi, thiết thực, dễ đi vào cuộc sống, thực sự góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. Vì vậy thời gian qua xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân thông qua nhiều hình thức, như họp thôn, hệ thống loa truyền thanh… Đồng thời phổ cập kiến thức, kỹ năng cho người dân thông qua hoạt động của Tổ công nghệ số ở các thôn và Đoàn Thanh niên xã. Việc phổ cập kiến thức, kỹ năng cho người dân được chúng tôi thực hiện theo phương châm cầm tay chỉ việc, hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp, để người dân làm quen và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ thông tin; cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh… Bên cạnh đó, chúng tôi còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền. 

Không chỉ cải thiện nhiều mặt trong đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào vùng cao, quá trình chuyển đổi số còn mang đến nhiều tiện ích tích cực cho người dân ở khắp mọi miền trên địa bàn tỉnh. Việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử, cùng ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ.

Khi đăng ký tài khoản VNeID thành công, công dân có thể truy cập được nhiều dịch vụ ở mức 1 hoặc 2; đặc biệt là thông qua tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ tùy thân để sử dụng thay thế trong các giao dịch hành chính như CCCD gắn chíp, đăng ký xe, BHYT, giấy phép lái xe. Cùng với việc tích hợp các giấy tờ tùy thân, hiện nay, từ tài khoản định danh VNeID, công dân có thể trực tiếp đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các TTHC trên môi trường mạng.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến.

Anh Dương Văn Trung (phường Hà Phong, TP Hạ Long) chia sẻ: Trước đây mỗi lần phải làm các TTHC như khai báo cư trú, đăng ký phương tiện giao thông, cấp đổi giấy phép lái xe… chúng tôi phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ, hoặc phải ghi nhớ nhiều loại tài khoản ở các trang dịch vụ công khác nhau. Nhưng hiện nay, với tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID, người dân đã có thể giải quyết được rất nhiều thủ tục trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tôi vừa thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, sau khi được hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết, mọi bước trong thủ tục đều được thực hiện tương đối dễ dàng. Giấy phép lái xe mới cũng sẽ được gửi về tận nhà theo địa chỉ tôi đã đăng ký.

Nhân viên Viettel Quảng Ninh hỗ trợ người dân chuyển đổi sim 2G sang 4G để sử dụng điện thoại thông minh khai thác các tiện ích của chuyển đổi số.

Quyết tâm trở thành hình mẫu toàn diện cấp tỉnh

Được triển khai đồng bộ trên cả 3 trục (chính quyền số – kinh tế số – xã hội số), chuyển đổi số toàn diện đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, dựa trên 3 trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người, để hình thành công dân số, xã hội số; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước và đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Lực lượng công an huyện Tiên Yên tổ chức các đợt ra quân, đến từng thôn, xóm làm CCCD gắn chíp, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Thực hiện mục tiêu đó, đến nay, trong trục chính quyền số, tỉnh đã từng bước xây dựng được một nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện ở cấp tỉnh đã cung cấp được 1.240 TTHC dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ gần 91%), trong đó có 908 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 332 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Ở cấp huyện và xã, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh đã tích hợp, kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên cổng dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được số hóa, ký số kết quả giải quyết và trả cho người dân trên môi trường số để tái sử dụng; 100% trung tâm hành chính công các cấp chấp nhận thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, công việc ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử…

Ở trục kinh tế số, 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp, 95% hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Mô hình chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai đến 100% chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố. 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đủ điều kiện tham gia thương mại điện tử và phát sinh giao dịch. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý hồ sơ khám, chữa bệnh của người dân thông qua hệ thống phần mềm sử dụng duy nhất giấy tờ là CCCD gắn chíp.

Trong trục xã hội số, toàn tỉnh hiện có 2,2 triệu tài khoản hoạt động trong tổng số 3,2 triệu tài khoản, trong đó có gần 800.000 tài khoản đã kích hoạt chức năng thanh toán không dùng tiền mặt. 100% dân cư được thu nhận hồ sơ cấp CCCD và làm sạch dữ liệu, đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ nhiều tiện ích của chuyển đổi số. 100% dữ liệu BHXH đóng và tạm trú tại các khu công nghiệp, dữ liệu nhà mạng được rà soát làm sạch; số hóa hồ sơ CMND 9 số đạt tỷ lệ 100%; cấp tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ 100%…

Quan trọng nhất, tất cả những thành tựu Quảng Ninh đạt được trên tiến trình chuyển đổi số đều thực sự hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Điển hình như, nhờ chuyển đổi số tích cực trong ngành y tế – một trong những ngành trọng điểm, có ý nghĩa với đời sống người dân, hiện nay người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế không còn phải đem theo nhiều loại giấy tờ, không phải làm nhiều thủ tục rườm rà như trước.

Trên nền tảng ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, ngành y tế Quảng Ninh đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu. Để tạo thuận lợi cho người bệnh, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã và đang được triển khai rộng khắp ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trung bình 70% số tiền viện phí tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã được thanh toán trực tuyến…

Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt qua mã QR tại chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả).

Hay như trong ngành giáo dục, đến nay Sở GD&ĐT đã phối hợp cùng các ngành hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục qua cổng thông tin của Bộ GD&ĐT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% trường có cấp THPT sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh vào lớp 10; 70,4% trường tiểu học, THCS sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để phát triển các ứng dụng quản trị trường học, lập báo cáo, kế hoạch; 100% cơ sở giáo dục phổ thông thường xuyên triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử thay thế cho hồ sơ giấy…

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện sẽ tiếp tục được Quảng Ninh triển khai thực hiện đồng bộ. Trong đó, tỉnh và các sở, ngành chức năng xác định sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên cho chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm được xác định là động lực phát triển, như: Y tế, GD&ĐT, du lịch, công nghiệp, GTVT, logistics… Đồng thời, tập trung nhìn nhận các điểm nghẽn, những hạn chế để tìm giải pháp khắc phục. Qua đó, tiếp tục đưa chuyển đổi số thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *