Xóa nỗi bất an mua hàng “chợ mạng”

Trong khi đó, việc các quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế đã tạo ra nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng đến niềm tin và quyền lợi người tiêu dùng.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Những năm qua, TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động TMĐT cũng phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các DN tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại. Năm 2023, hoạt động TMĐT tại Việt Nam tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, không ít đối tượng đã tận dụng mọi kẽ hở để nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan trên TMĐT với quy mô ngày một lớn. Đáng nói, hình thức live stream bán hàng nở rộ… khiến nhiều mặt hàng làm giả, nhái, nhập lậu còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng khiến nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đặt lòng tin và bỏ tiền mà không biết mình sẽ nhận về những sản phẩm kém chất lượng.

Người tiêu dùng chọn mua hàng qua trang web thương mại điện tử. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng qua trang web thương mại điện tử. Ảnh: Công Hùng

Là một tín đồ của “chợ mạng”, chị Nguyễn Thị Tâm (Bắc Từ Liêm) thường xuyên lên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, hay một số sàn TMĐT để mua hàng và săn những đợt giảm giá. Tuy nhiên, không ít lần chị Tâm nhận về thất vọng.

“Cách đây vài tuần, tôi có xem live stream và săn sale được một chiếc nồi chiên không dầu có giá hơn 500.000 đồng. Theo lời giới thiệu của người bán thì đây là sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng, chất lượng tốt, tuy nhiên khi nhận hàng tôi hoàn toàn thất vọng về kiểu dáng, màu sắc cho tới chất lượng. Sản phẩm như “hàng mã”, chỉ dùng vài lần sử dụng đã hỏng, lúc bật được, lúc không” – chị Tâm chia sẻ.

Cũng nhiều lần mua phải hàng kém chất lượng trên “chợ mạng”, nhưng vì tính tiện lợi, nên chị Phùng Thị Quyên (Hà Đông) vẫn chấp nhận duy trì thói quen tiêu dùng này. “Mua hàng online như chơi xổ số vậy, may mắn thì chọn được shop uy tín, còn không thì lại mua phải hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, mỗi lần đặt mua hàng online là một lần bất an” – chị Quyên ví von.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT đang gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Những khiếu nại phổ biến là về chất lượng kém so với quảng cáo, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay khó kiểm định chất lượng hàng hóa. Năm 2023, bộ đã yêu cầu các sàn TMĐT, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ, khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Lỗ hổng quản lý

Mặc dù các cơ quan nỗ lực thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, tuy nhiên kết quả trên vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi sự biến hóa khôn lường của TMĐT. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin ảo để tạo lập tài khoản mạng xã hội, sử dụng sim “rác”, sử dụng các công cụ thanh toán trung gian; không sử dụng địa chỉ cố định để giao dịch, hàng hóa tập kết, cất giấu tại nhiều địa điểm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Giới chuyên gia nhận định, để xảy ra tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nhưng chưa được giải quyết triệt để là do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ, chưa theo kịp với sự phát triển của TMĐT.

Trong phiên chất vấn Quốc hội đầu tháng 6, bản thân Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa nhận, quản lý bán hàng online, live stream trên thương mại điện tử là chuyện không dễ dàng. Việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện nay quy định về trách nhiệm và chế tài với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng, với số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng. Đồng thời, thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi; trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.

 

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra tại đề án như: 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh nhìn nhận, việc bán hàng hoặc quảng cáo qua những người có ảnh hưởng lớn vẫn còn nhiều bất cập, có cá nhân chỉ giới thiệu sản phẩm 3s không đảm bảo thông tin đưa đến người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều vấn đề cũng chưa có quy định cụ thể như: cần cung cấp thông tin gì về sản phẩm cho người tiêu dùng hay làm sao để Nhà nước nắm được doanh thu thực tế của các phiên live.

Bên cạnh đó, việc live stream các mặt hàng không phép như sản phẩm giảm cân chưa được lưu hành, tiền ảo… và bằng cấp của người live stream trong một số lĩnh vực nhạy cảm như y tế, tài chính, luật, giáo dục cũng còn bỏ ngỏ.

Không chỉ lỏng lẻo về kiểm soát chất lượng hàng hóa, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử còn nhiều bất cập, ngân sách Nhà nước đang thất thu số tiền lớn, vì hoạt động này biến hóa khôn lường.

Dùng công nghệ quản lý công nghệ

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bản chất của bán hàng online là phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ số hiện nay. Do đó người bán hàng cần có thêm kỹ năng bán hàng online để tiếp cận khách hàng cũng như việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng. Về phía người tiêu dùng, cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…

Đối với cơ quan quản lý, cần lấy công nghệ để quản lý công nghệ. TMĐT là một lĩnh vực mới có năng lực tiến hóa số liên tục. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và nâng cấp về công nghệ cho các cơ quan quản lý cũng như phải liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Các công nghệ mới rà soát mới cần được ứng dụng để sớm phát hiện sai phạm và ngăn ngừa từ sớm. Các nền tảng số lớn cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, chia sẻ dữ liệu để đảm bảo việc định danh và kiểm soát người bán.

Mặt khác, có thể sử dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dịch vụ để truy vết và truy cứu trách nhiệm các bên tham gia giao dịch TMĐT cũng như bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng tình quan điểm đẩy mạnh công nghệ trong quản lý hoạt động TMĐT, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho rằng, cần thiết phải trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung ở các bộ, ngành, cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ T.Ư tới quản lý thị trường các địa phương, để kịp thời xử lý các sự cố, vụ việc vi phạm.

Trên thực tế, để ngăn chặn những vi phạm xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT&TT… đăng tải các thông tin, bài viết để tuyên truyền.

Cùng với đó, bộ cũng chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua năm 2023. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật.

 

Việc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh TMĐT là cần thiết để tránh các vi phạm pháp luật. Kinh nghiệm ở Trung Quốc – một nước phát triển mạnh TMĐT cho thấy, các nền tảng TMĐT lớn như Taobao, JD.com đã triển khai các quy định về nộp thuế và hậu mãi rất bài bản, giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động live stream bán hàng. Các vi phạm như trốn thuế hay bán hàng giả đều bị xử phạt nghiêm khắc.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh 

Xóa nỗi bất an mua hàng “chợ mạng”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *