Một điều may mắn và vinh hạnh trong đời tôi

thuong_co_quoc_khanh_2-9_13.jpg
Lễ thượng cờ mừng 79 năm Ngày Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày ấy, (khoảng cuối năm 1975) quy trình vào Lăng viếng Bác có nhiều điểm khác bây giờ. Tất cả các đoàn vào viếng đều phải lập danh sách gửi về Ban tổ chức trước. Gọi đến tên ai, người ấy mới được vào. Lối vào là cổng Phủ Chủ tịch, phía đường Quán Thánh, liền kề với cổng Phủ Thủ tướng.

Mọi người được hướng dẫn tham quan trong khuôn viên Phủ Chủ tịch trước, (bao gồm cả Nhà sàn, Ao cá) rồi mới vào Lăng viếng Bác. Vì khi đó chưa có Bảo tàng Hồ Chí Minh, nên viếng Bác xong là ra về.

Đã 49 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ: đội ngũ hướng dẫn viên ngày ấy, hầu hết là nữ, quê Nghệ An. Mỗi người đảm nhiệm giới thiệu một phần di tích trong khuôn viên. Người sau tiếp nhận khách của người trước. Nhiều hiện vật được giới thiệu tỉ mỉ, như mấy cây hoa, cây cảnh vẫn in dấu bàn tay Bác chăm sóc, uốn tỉa. Lúc đứng trước căn phòng, nguyên là chỗ ở của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền Đông dương thời Pháp thuộc. Năm 1954, Pháp rời đi, ta tiếp quản, Bác đã chỉ vào căn phòng này và bảo với bộ phận hành chính bố trí cho Bác ở đó, khiến tôi vô cùng cảm phục đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác.

Bản thân tôi, từ khi còn cắp sách đến trường đến nay đã về già, luôn yêu thích công việc – mà ngày nay – xã hội vẫn tôn vinh, gọi đó là “Văn hóa đọc”, và còn có cả Ngày sách Việt nam (21/04). Nhờ vậy mà tôi biết được cuộc đời, sự nghiệp nhiều nhân vật nổi tiếng ở trong nước cũng như trên thế giới. Điển hình như cụ Nê-Ru Tổng thống Ấn Độ, ông Hadara nhà sử học vĩ đại của Liên Xô (cũ) (hai người với Bác là ba, cùng được Unesco xét tặng Danh nhân văn hóa thế giới một đợt). Nhưng tôi chưa từng thấy ai, đặc biệt là trong hàng ngũ Lãnh tụ, Nguyên thủ quốc gia, lại giản dị, khiêm nhường như Bác Hồ của chúng ta.

Tham quan hầm trú ẩn của Bác thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Nhìn cái kẻng báo động, cùng chiếc mũ rơm treo cạnh đó, tôi thấy xúc động, thương Bác tuổi cao, sức yếu vẫn phải vất vả, mỗi khi bọn giặc trời “thần sấm” “con ma” lẻn vào đánh phá Hà Nội.

Hành trình tham quan Phủ Chủ Tịch càng sắp đến điểm cuối, tôi càng háo hức muốn nhanh được đến Khu nhà sàn của Bác, để còn tận mắt nhìn xem cây Bụt mọc thế nào, mà nhà thơ Tố Hữu lại viết trong trường ca “Theo chân Bác” (1-1971):

“Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai. Quanh hồ thấp thoáng bóng hôm mai” (câu 435+436). Thì ra, đó là một loại cây bên hồ, có rễ dài mọc sát mặt nước, nhìn giống như những tượng Phật, cao thấp nhấp nhô. Trong con mắt của tôi,cây bụt mọc ở đây, còn là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất, vô nhị của môi trường,sinh thái tự nhiên.

Tại Nhà sàn của Bác, tôi và mọi người được vào hẳn trong nhà, lên cả tầng 2, không phải đi vòng quanh bên ngoài nhìn vào như hiện nay. Phải chăng: Vì ngày ấy Ban Quản lý di tích còn mải lo làm sao để người dân được gần Bác nhất. Để hình ảnh bác luôn sống mãi trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, bạn bè ở nước ngoài. Chính vì nguyện vọng cháy bỏng đó, mà chưa ai kịp nghĩ ra: Phải làm sao để tuổi thọ của Nhà sàn không bị ảnh hưởng, tác động của môi trường tham quan. Để các thế hệ sau này vẫn tiếp tục được chiêm ngưỡng. Có lẽ từ sự thiếu hụt đó, mà một công trình phụ trợ, giống như một đường dẫn cho khách từ ngoài tham quan vào, đã được thiết kế, bổ sung như hiện giờ.

Không biết từ ngoài nhìn vào, mọi người có thấy rõ 11 chiếc ghế tựa cá nhân, trông bình thường như bao chiếc ghế 3 nan, ngồi bàn uống nước của những gia đình bình dân? Ấy vậy mà, lại là ghế của 11 Ủy viên Bộ Chính Trị* (trong đó có Bác) ngồi họp đấy! Và một bệ xi măng bên trên lát ván gỗ chạy quanh phòng, dành cho các cháu thiếu nhi mỗi dịp vào thăm bác cùng ngồi.

Trên tầng 2, được ngăn làm đôi, nửa Bác làm việc, nửa nghỉ ngơi. Lên hết cầu thang, muốn vào phòng bác, phải đẩy một cánh cửa chắn, thấp ngang thắt lưng, ghép bằng những thanh gỗ thưa, trên gắn một cái chuông lắc, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Bác ơi” (9-1969):

“Con lại lần qua lối sỏi quen. Đến bên thang gác, đứng nhìn lên.

Chuông ôi! Chuông nhỏ còn reo nữa. Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn”

Nhìn những vật dụng Bác dùng hằng ngày, vẫn thứ nào nguyên chỗ nấy, tưởng như Bác vừa đi vắng. Từ phương tiện làm việc trên bàn, đến tư trang cá nhân đều rất đỗi bình dân, chẳng có một tý tẹo nào được coi là “đẳng cấp”. Xin được mượn 2 khổ thơ (8 câu) trong trường ca “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu để kể về tầng 2 này:

“Nhà gác đơn sơ một góc vườn. Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi hương.

Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối. Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.

Máy chữ thôi reo mấy ngón đàn. Thong dong chiếc gậy gác trên bàn.

Còn đôi dép cũ mòn quai gót. Bác vẫn thường đi giữa thế gian”.

Không biết có ai lại coi việc được vào lăng viếng Bác (bao gồm cả chuỗi tham quan Phủ Chủ tịch, Nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh) là một may mắn và vinh hạnh trong đời không? Riêng tôi thì thực sự là như vậy. Bởi lẽ: Sau khi được mắt thấy, tai nghe những di tích, hiện vật “kể” về cuộc đời hoạt động của Bác, tôi thấy mình học tập được nhiều điều, đặc biệt là đạo đức, phong cách của Bác. 24 năm làm nguyên thủ quốc gia mà vẫn sống thanh bạch, không mảy may gợn vẩn về đời tư. Khi Bác nằm xuống, ngoài căn nhà sàn (để lại) không có cái gì của riêng mình. Bởi thế UNESCO đã ghi danh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất”.

Lại một mùa thu nữa đã đến đem theo Lễ Quốc khánh lần thứ 79! Năm nay (2024) nước ta được đón những ngày kỷ niệm tròn như: 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hà Nội cũng sôi nổi thi đua lập thành tích kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, lòng tôi bỗng bồi hồi nhớ lại: cách đây 49 năm, lần đầu tiên được từ Sơn La xa xôi về Hà Nội vào Lăng viếng Bác, ngay sau khi Lăng khánh thành, mở cửa đón khách, một cơ hội mà chưa nhiều người có được may mắn, và cũng không lặp lại lần thứ hai. Bởi vậy, tôi muốn chia sẻ với mọi người, để cùng thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị: Tiếp tục học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”

(“Bác ơi”)

Một điều may mắn và vinh hạnh trong đời tôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *