Site icon Sim Thương Gia

Nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống


(SHTT) – Chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nhiều tiện ích mang lại của chuyển đổi số đã giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống

 Xã vùng cao Yên Than (huyện Tiên Yên) có 8 thôn, đồng bào DTTS chiếm 75% dân số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.

 Chị Chìu Tài Múi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) (trái) hướng dẫn người dân trong thôn sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh.

Chị Chìu Tài Múi (thôn Phú Cường, xã Yên Than) nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet cập nhật tin tức, tìm hiểu cách nuôi gà, trồng khoai tây theo công nghệ cao. “Được các bạn thanh niên trong thôn hướng dẫn thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại, tôi đã thanh toán được tiền điện, nước online, tìm kiếm được các ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình”, chị Múi chia sẻ.

Bộ mặt các thôn, bản vùng cao, miền núi của tỉnh hôm nay có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình nơi đây đã sắm được ti vi, máy tính, điện thoại thông minh để bán hàng online, phục vụ học tập, giải trí, không khác gì ở vùng thành thị. Thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng internet băng rộng để đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận với tiện ích số. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được sử dụng internet tốc độ cao; diện phủ sóng di động 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh đạt 99,8%.

 Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.

Ở các vùng thành thị, chuyển đổi số diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) chia sẻ: Trước muốn cấp đổi giấy phép lái xe, tôi phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục, nay chỉ cần chiếc máy tính xách tay là có thể gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà. Điều này giúp ích cho người dân rất nhiều, vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa giảm được chi phí.

Không chỉ người dân thấy tiện ích chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã áp dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công ty CP Du lịch mở Hạ Long (TP Hạ Long) đã đầu tư đưa các phần mềm vào hoạt động quản lý, kinh doanh, như sử dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các điểm đến, tour, tuyến du lịch khi làm việc với khách hàng; quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch; thanh toán không dùng tiền mặt… Tổng Giám đốc Công ty Trần Mạnh Thắng cho biết: Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của Công ty thêm hiệu quả, như giảm nhu cầu nhân lực, tiết kiệm chi phí lương, thưởng, bảo hiểm. Bên cạnh đó có thể cung cấp dịch vụ khách hàng đa kênh 24/7, hỗ trợ nhanh chóng, tiện lợi. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, tôi đi đâu vẫn có thể điều hành được công việc mọi lúc, hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt.

 Gia đình ông Hoàng Tiến Đang (xã Việt Dân, TX Đông Triều) đóng gói sản phẩm quả na cho khách hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện có 300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao của tỉnh được giới thiệu, bán hàng trên các sàn TMĐT.

“Vụ na vừa qua, gia đình tôi bán được gần 1 tấn na bở và na dai, thuận lợi tiêu thụ so với các năm trước. Gia đình được Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, như ocopquangninh, facebook, zalo…, nên dễ tiếp cận với khách hàng các tỉnh. Mùa na năm nay gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng”, ông Hoàng Tiến Đang (xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho biết.

Thời gian qua tỉnh đẩy mạnh “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các lĩnh vực, được đông đảo người dân lựa chọn, từng bước hình thành thói quen của người tiêu dùng. Đến ngày 31/5/2024 trên địa bàn tỉnh có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động; chi trả không dùng tiền mặt chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp đạt 48,6%; chi trả an sinh xã hội đạt 51,6%; thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) đạt 97,1%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, tiền nước đạt 97,8%…

6 tháng đầu năm 2024 các nhà mạng cung cấp miễn phí 2.713 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; đã thực hiện cho 11.235 thuê bao chuyển đổi sim 2G lên 4G, chiếm 9,5%. Đến nay tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 106,7%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 95,2%; tỷ lệ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao 4G đạt 49,88%, 5G đạt 0,03%.

 Đồng bào DTTS dùng mã QR code để khách hàng thanh toán qua tài khoản Banking.

Trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp đã số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch nhằm giới thiệu tài nguyên, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông… Thông tin đầy đủ, dễ tiếp nhận trên các giao diện, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách.

Trong giải quyết TTHC, các sở, ban, ngành cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (62,8%), 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (37,2%). 6 tháng đầu năm 2024 có 217.276 hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia (97,8%); thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh 23.600 hồ sơ (98,3%), cấp huyện 66.532 hồ sơ (98,9%), cấp xã 17.862 hồ sơ (98,5%).

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, đời sống của nhân dân, diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.

Ngọc Trâm

Nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống

Exit mobile version