Sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt | Đời sống

VHO – Mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, khiến nước lũ đổ về mạnh đã làm ngập, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa gây thiệt hại về nhà ở, đường giao thông, công trình thủy lợi và cây trồng… chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt đến nơi tránh trú an toàn.

Sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt - ảnh 1
Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) tạm thời bị cô lập

Tại huyện Quan Sơn, mưa lũ đã làm 81 nhà dân bị sạt lở đất, sụt lún. Cụ thể, tại các xã: Trung Xuân 38 nhà; Na Mèo 12 nhà; Sơn Điện 6 nhà; Sơn Thủy 7 nhà; Tam Thanh 8 nhà; Tam Lư 4 nhà; Sơn Hà 1 nhà; Trung Hạ 1 nhà; Trung Tiến 1 nhà và thị trấn Sơn Lư 3 nhà.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện vết nứt dài khoảng 300m, rộng 50-70 cm phía sau đồi bản Cha Khót, xã Na Mèo, nguy cơ cao ảnh hưởng đến 8 hộ, 34 khẩu. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, huyện Quan Sơn đã thực hiện sơ tán 116 hộ/543 khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Mưa to từ chiều ngày 21.9 đến nay cũng làm sạt lở đất, lấp rãnh thoát nước; sập đổ 60m tường rào tại Trường Tiểu học Sơn Thủy. Sạt lở 60m3 đất vào phía sau công trình phụ (bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh) Trường THCS xã Sơn Hà; đổ 3 cột điện cao thế tại bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy. Hiện nay trên địa bàn xã Sơn Thủy đang mất điện toàn xã…

Sạt lở tại Km192+400, Quốc lộ 217 với khối lượng khoảng 50 m3. Hiện nay hạt giao thông đã khắc phục tạm thời, các phương tiện giao thông qua lại bình thường.

Tại các điểm sạt lở trên tuyến đường Sơn Hà – Tam Lư – Tam Thanh, tại vị trí đầu bản Sại; đường nối từ QL 217 đi bản Ngàm vẫn tiếp tục sụt, sạt lở; ngầm tràn bản Hát, xã Tam Lư bị ngập; ngầm tràn đi bản Xa Mang, bản Bun, bản Na Hồ, xã Sơn Điện bị ngập… hiện tại người và phương tiện chưa lưu thông được.

Sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt - ảnh 2
Đất đá sạt lở tràn vào ký túc xá Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trung Lý, huyện Mường Lát khiến 214 học sinh phải di dời khẩn cấp

Những ngày qua trên địa bàn xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn biên giới Việt – Lào đổ về làm nước ở suối Sim dâng cao, chảy xiết gây ngập nghiêm trọng đường tỉnh 521E nối với trung tâm huyện Mường Lát.

Mưa lũ đã khiến 9 bản của xã Mường Chanh tạm thời bị cô lập. Toàn bộ 4 cầu tràn đi các khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m, có những điểm nước chảy xiết, dâng cao so với bề mặt của đập tràn gần 2m.

Sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt - ảnh 3
18 hộ dân ở ven suối Sim tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) được chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng sơ tán khẩn cấp đến trạm y tế của xã, nhà văn hóa của xã và các bản để tránh lũ quét

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, một số đoạn suối bị sạt lở, nguy cơ xấu sẽ xảy ra lũ quét, chính quyền xã Mường Chanh phối hợp với các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 vận động di dời, sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân ở ven suối Sim đến nhà văn hóa, trạm y tế của xã, nhà văn hóa các bản để tránh lũ quét, đồng thời vận chuyển tài sản của người dân lên các điểm cao hơn.

Mưa lớn cũng làm đất đá sạt lở tràn vào ký túc xá Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Trung Lý, huyện Mường Lát buộc nhà trường phải di dời khẩn cấp 214 học sinh đến nơi an toàn.

Tại huyện Bá Thước, đến thời điểm 17 giờ ngày 22.9, trên địa bàn huyện có 11 điểm ngập tại các điểm tràn qua đường giao thông tại các xã: Ban Công, Thiết kế, Cổ Lũng, Lương Trung, Hạ Trung, Lương Nội, Lương Ngoại, Lũng Cao, Điền Trung, Điền Quang và Điền Trung.

Đặc biệt tại thôn Rầm Tám, xã Điền Trung, nước sông dâng cao làm ngập và chia cắt thôn Rầm Tám với khoảng 60 hộ/200 nhân khẩu.

Hiện tại, toàn huyện có 14 hộ/55 khẩu tại thôn Khung, xã Thiết Kế; thôn Tân Thành, xã Thành Lâm; thôn Nủa, xã Lũng Cao; thôn Né, xã Đền Hạ và thôn Quang Trung, xã Lương Trung phải sơ tán đến nơi ở an toàn do nguy cơ sạt lở đất, đá và nước sông Mã dâng, gây ngập nhà ở, không an toàn.

Trước diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá cũng đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Sơ tán, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, ngập lụt | Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *