Chạy đua mổ ung thư tuyến giáp cho bé gái 9 tuổi

“Ung thư đã lan sang hạch, nguy cơ di căn phổi, xương, não,…”, thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đánh giá.

Chạy đua mổ ung thư tuyến giáp cho bé gái 9 tuổi

Phẫu thuật cam go

Bé N.H.H. 9 tuổi xuất hiện u ở cổ kéo dài 3 tháng không xẹp. Không an tâm, gia đình đưa bé đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám và phát hiện ung thư tuyến giáp, di căn hạch.

Hơn 20 năm chuyên điều trị ung thư tuyến giáp, bác sĩ Đoàn Minh Trông quyết định cho cả êkip phẫu thuật cắt tuyến giáp và nạo hạch cổ cho bé. Đây là lần đầu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận và điều trị cho trẻ 9 tuổi bị ung thư tuyến giáp.

Ngay khi chỉ số gây mê ổn định, bé chìm dần vào giấc ngủ. Ê kíp phẫu thuật rạch đường mổ ở cổ để làm lối vào tiếp cận bóc tách khối u. Đúng như cuộc hội chẩn trước mổ giữa khoa Nhi, đơn vị Đầu Mặt Cổ, dây thần kinh hồi thanh quản, 2 tuyến cận giáp ở trẻ em đều có cấu trúc nhỏ, mỏng, dính chặt khiến cuộc phẫu thuật gặp khó. Các bác sĩ khéo léo cắt các mô xung quanh, luồng lách dụng cụ phẫu thuật đi vào tuyến giáp. Thời gian phẫu thuật kéo dài, gấp 3 lần các ca mổ ung thư tuyến giáp thông thường.

Sau 4 tiếng, các bác sĩ cắt trọn tuyến giáp, lấy khối u ra ngoài, tiếp tục nạo hạch cổ bên phải mà không ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh để tránh biến chứng: khàn giọng, tê tay chân…

Kết thúc ca mổ, các bác sĩ may khép miệng vết thương tỉ mỉ để tránh sẹo xấu sau này, ảnh hưởng tâm lý khi bé đến tuổi dậy thì. Đồng thời, bệnh nhi chưa ý thức được vết mổ nên dán keo sinh học giúp bé dễ dàng tắm, gội, vệ sinh… Với loại keo này, người bệnh cũng không cần thay rửa vết thương mỗi ngày.

Ngay trong phòng hồi tỉnh, bé H. đã hỏi khi nào có thể xuống được gặp mẹ. Bé khỏe, không bị khàn giọng sau mổ, không gặp các biến chứng tê tay chân… Trước giờ xuất viện, bệnh nhi được kiểm tra, đánh giá sức khỏe tốt. Bác sĩ Trông chỉ định bé uống i-ốt phóng xạ ngăn ung thư tái phát, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Chị T.H.M. (34 tuổi, mẹ của bé H.) cho biết gia đình chị không có ai bị ung thư. 2 tháng trước, trong lúc tắm cho con, chị thấy vùng trước cổ bé bị sưng cỡ hạt đậu phộng. Chị đưa con đến nhiều bệnh viện nhưng sau khi siêu âm chỉ khuyên theo dõi thêm.

Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ khoa Nhi phối hợp với Đơn vị Đầu Mặt Cổ khám, hội chẩn, nhận thấy hạch cổ sưng bất thường sau 2 tuần không giảm. Các bác sĩ chỉ định siêu âm, chọc sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) cho kết quả ung thư tuyến giáp thể nhú, di căn hạch.

“May mắn con tôi được phát hiện sớm bệnh ung thư và điều trị kịp thời. Sức khỏe bé tốt, mọi hoạt động diễn ra bình thường”, chị M. thông tin.

Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông khám cho người bệnh
Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám cho người bệnh.

Bệnh tiến triển di căn nhanh

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào nhu mô tuyến giáp phát triển bất thường, tạo thành khối u ác tính. Ung thư tuyến giáp ở trẻ em ít gặp, có gặp cũng ở nhóm từ 15 – 19 tuổi.

Chưa rõ nguyên nhân gây ung tuyến giáp ở trẻ em, tuy nhiên yếu tố nguy cơ gây bệnh này gồm: tiếp xúc bức xạ, bướu giáp và viêm giáp tự miễn, di truyền, gia đình có nhiều người mắc ung thư tuyến giáp…

Ung thư tuyến giáp ở trẻ em phát triển nhanh hơn người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư tuyến giáp sẽ di căn hạch, phổi, xương não… gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, thời gian sống còn của người bệnh.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em ung thư tuyến giáp đáp ứng tốt, cơ hội chữa khỏi cao. Như trường hợp bé H, phát hiện khi vừa di căn hạch cổ, điều trị ngay, tiên lượng khỏi bệnh đến 99%.

Mỗi người bệnh bác sĩ sẽ chỉ định liều uống i-ốt phóng xạ khác nhau, dù liều cao cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Mỗi người bệnh sẽ có mức uống i-ốt phóng xạ khác nhau, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. 6 – 12 tháng sau khi uống phóng xạ, người bệnh mang thai sẽ đảm bảo an toàn cho thai nhi và sức khỏe mẹ.

Bác sĩ Trông khuyên, cha mẹ, người lớn trong gia đình nên quan sát trẻ. Khi thấy trẻ có các triệu chứng: khối u vùng cổ, nổi hạch, khàn giọng, khó thở… nên khám ở đơn vị Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Với trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy, ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể bị phì đại tại môi, lưỡi, mí mắt, mắt khô, táo bón… Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.

Chạy đua mổ ung thư tuyến giáp cho bé gái 9 tuổi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *