Site icon Sim Thương Gia

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2024

Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong tháng 9/2024, Tổ Công tác, Tổ Giúp việc Đề án 06 tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành trên gần 20 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố… căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bảo đảm việc thực hiện Đề án 06 chất lượng, hiệu quả, theo đúng tiến độ đề ra. 

Trong đó, trên cơ sở tham mưu của các cơ quan tham mưu, giúp việc, UBND tỉnh đã ban hành Công văn đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án 06; Công văn báo cáo kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai và tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trong việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở giữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu…Kết quả nổi bật cụ thể của các nhóm tiện ích như sau:

Kết quả nổi bật của nhóm tiện ích Giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến:Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã gửi trên 466.000 yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ 14/8/2024 đến 13/9/2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh 42.727 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến 32.122 hồ sơ (đạt 75,16%). Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành kết nối với 26 hệ thống thông tin của các Bộ, ngành. Đã cung cấp, triển khai chữ ký số cho 100% cơ quan Nhà nước được cấp chữ ký số chuyên dùng, với 5.464 chứng thư (4.730 chứng thư số cá nhân, 734 chứng thư số tổ chức). Triển khai cấp SIM PKI phục vụ việc ký số trên thiết bị di động cho 308 cá nhân của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cung cấp chữ ký số chuyên dùng cho 100% cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận một cửa các cấp; cung cấp trên 25.000 chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình

Kết quả nổi bật nhóm tiện ích về phát triển kinh tế, xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, lũy kế đến nay đã hỗ trợ cho 2.023 đối tượng đủ điều kiện, với số tiền 2.957.500.000 đồng. Hoàn thành rà soát cơ sở dữ liệu cho 22.900 người có công với cách mạng, 149.086 người cao tuổi và 12.201 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Kết quả nổi bật nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số: Từ ngày 01/7/2024 đến ngày 25/9/2024; Công an tỉnh đã tiến hành thu nhận Căn cước theo Luật Căn cước 2023 với tổng số: 74.310 trường hợp (trong đó: Từ 0 đến 6 tuổi: 30.832 trường hợp; 6 đến 14 tuổi: 23.899 trường hợp; 14 tuổi trở lên: 19.577 trường hợp; cấp giấy chứng nhận Căn cước: 02 trường hợp); đã cấp 819.592 tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an phê duyệt 686.909 tài khoản, kích hoạt 642.585 tài khoản.

Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội ngày một tăng.Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 765.472 tài khoản ( gần bằng 160%, 1 người có thể mở nhiều hơn 1 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau). Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%. Tỷ trọng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 30%. Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 70,8%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng dịch vụ mobilemoney/tổng số thuê bao di động đạt 5,3%.

Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử… và phục vụ công việc và cuộc sống. 

Đến nay 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như: mã QR code hoặc Mobile money, thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; 190/190 cơ sở khám chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị phục vụ người dân khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD (trong tháng đã thực hiện được 80.578 lượt).

Đã triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với cá nhân nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, lũy kế đã phát sinh 200 hồ sơ của tổ chức, cá nhân thanh toán nghĩa vụ tài chính thành công; đã kết nối, thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cho doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Toàn tỉnh có 320/320 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt (trừ các trường tiểu học), đạt tỷ lệ 100%; có 462/465 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán các khoản dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt, đạt 99,4%.

Ngành Lao động – Thương binh Xã hội của tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho Người có công, người hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội trên địa bàn. Kết quả: Tính đến nay tổng số đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh 69.549 đối tượng; số đối tượng đã thực hiện rà soát 69.428/69.428 đối tượng, (đạt 100%), trong đó 21.574 đối tượng có tài khoản, đã được chi trả qua tài khoản, tổng số tiền chi trả qua tài khoản lũy kế đến nay 149.537.467.000 đồng.

Ngành Thuế đã thực hiện việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong việc chuẩn hóa thông tin mã số thuế, đảm bảo chuẩn hóa dữ liệu người nộp thuế, thực hiện tinh gọn, chính xác thông tin quản lý người nộp thuế.

Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành phát phiếu khảo sát nhu cầu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH đăng ký nhận tiền qua tài khoản tháng 7, tháng 8, tháng 9. Kết quả đến nay có 11.061 người/59.645 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH đăng ký nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Kết quả nhóm tiện ích hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; các DVC về hoạt động khuyến mại; đã kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính liên quan đến TTHC về đất đai trên cổng DVC quốc gia. Triển khai ứng dụng Zalo OA để nhắn tin, quét mã QR thông báo trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; một số đơn vị đã triển khai nhắn tin nhắn (SMS brands name) thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ trên Hệ thống.

Công an tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể ban hành Kế hoạch, Quy trình thu thập, nhập thông tin hội viên, kết quả (tính đến nay đã nhập thông tin của 59.474 hội viên Hội Nông dân, 74.860 hội viên Hội Người cao tuổi, 39.954 hội viên Hội Cựu chiến binh, 20.098 Người có công, 475.666 người lao động).

Kết quả nhóm phục vụ điều hành của lãnh đạo các cấp: Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Ninh Bình đã cấp 303 tài khoản; 45 workspace dữ liệu cho cấp tỉnh, huyện, xã trên 09 lĩnh vực giám sát, đó là: Điều hành chỉ tiêu kinh tế – xã hội; tình hình xử lý văn bản và điều hành; dịch vụ hành chính công; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực du lịch; quản lý sử dụng đất đai; tương tác phản hồi của người dân và Giám sát, điều hành các lĩnh vực khác khi có nhu cầu. 

Về việc triển khai phần mềm theo dõi, giám sát Đề án 06: đã lập 171 tài khoản, sử dụng phần mềm theo dõi, giám sát Đề án 06, các đơn vị đã thường xuyên truy cập tài khoản, sử dụng phần mềm thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. 

Phát huy những kết quả trong tháng 9/2024, trong tháng 10/2024, Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát, quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh./.

Bùi Vân Anh, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2024

Exit mobile version