Tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Vietstock 2024: Tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững- Ảnh 1.

Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat cho biết Vietstock 2024 dự kiến có hơn 400 đơn vị trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi ở trong nước và quốc tế. Ảnh: VGP/AL

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm Vietstock 2024, bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án – ASEAN, (Tập đoàn Informa Markets) cho biết, triển lãm Vietstock diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 tại TPHCM với chủ đề: “Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đây là diễn đàn lớn nhất, cầu nối hợp tác uy tín, chất lượng dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy hợp tác, hội nhập và phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản.

Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat cũng cho biết, Vietstock 2024 dự kiến có hơn 400 đơn vị đăng ký trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt, triển lãm còn là nơi vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức có sự cố gắng vượt trội để phát triển và đóng góp cho ngành chăn nuôi và cho cộng đồng xã hội.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã được thế giới biết đến về năng lực sản xuất chăn nuôi. Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP toàn ngành nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của hơn 100 triệu dân trong nước, hàng triệu khách du lịch, tạo sinh kế cho gần 10 triệu hộ nông dân, nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi còn được đẩy mạnh xuất khẩu như: Yến, sữa và sản phẩm từ sữa xuất sang Trung Quốc; mật ong sang Mỹ, EU; thịt gà chế biến sang Nhật Bản, một số sản phẩm chăn nuôi đang từng bước tiếp cận thị trường Halal… Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 324 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Kim Đăng, ngành chăn nuôi Việt Nam, cũng như thế giới, hiện nay đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tình trạng kháng kháng sinh… đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Cơ hội vàng để chuyển đổi ngành chăn nuôi theo hướng bền vững hơn

Theo Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT Phạm Kim Đăng, để phát triển chăn nuôi bền vững cần dựa trên 4 khía cạnh: Hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi động vật.

Vietstock 2024: Tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững- Ảnh 2.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đây là cơ hội vàng để chuyển đổi ngành chăn nuôi theo hướng bền vững hơn. Ảnh: VGP/AL

Chủ đề Vietstock năm 2024 với 4 “tốt hơn” là: “Chuyển đổi chăn nuôi để năng suất cao hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường xanh sạch hơn & cuộc sống tốt đẹp hơn” là dịp để các chuyên gia nông nghiệp, DN, người chăn nuôi chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành phát triển theo những xu hướng chuyển dịch này, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mới đây, Chính phủ vừa thông qua Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01/08/2024 Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi. Đây là căn cứ pháp lý tạo điều kiện phát triển chăn nuôi nước ta trong thời gian tới. Cùng với đó, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 08 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/8/2024). Như vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế; chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng. “Đây là thời điểm và là cơ hội vàng để chuyển đổi ngành theo hướng phát triển bền vững hơn” ông Phạm Kim Đăng nhấn mạnh.

Anh Lê

Tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *