2 giờ hối hả của thầy trò THCS&THPT Bát Xát và nỗ lực tái thiết trường sau bão

Những ngày đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ đất liền, liên tiếp gây nhiều ảnh hưởng đến các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đáng chú ý, trong đó có những trường học tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3.

Tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát (thôn Mường Hum, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), rất may mắn khi thầy và trò đã kịp thời di tản, ngay trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng.

Plantes (2).png

“Ngôi nhà thứ hai” của nhiều học sinh phút chốc bị san bằng

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát đang là nơi theo học của 705 học sinh 9 xã phía Tây Bắc của huyện Bát Xát (Mường Hum, Nậm Pung, Dền Thàng, Bản Xèo, Trung Lèng Hồ, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Y Tý). Trong đó, hơn 500 học sinh ở xa với khoảng cách trung bình đến trường từ 7km đến 18km, cá biệt là các em học sinh thuộc xã Y Tý khoảng cách tới trường 38km. Bởi vậy, khu bán trú nhà trường giống như “ngôi nhà thứ hai” của các em học sinh.

Chứng kiến cảnh mưa lớn kéo dài suốt nhiều ngày liền, ban lãnh đạo nhà trường đã vô cùng lo lắng; trước đó, khu nhà 5 tầng của trường từng bị sạt trượt, vết sạt đã được gia cố lại, nhưng chỉ cách khu nội trú các học sinh ở khoảng 20m.

Chính vì vậy, 7 giờ sáng ngày 09/9, ngay khi thấy vết sạt cũ bất ngờ sạt lại là dấu hiệu cảnh báo lớn nhất, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát nhanh chóng quyết định di tản toàn bộ giáo viên và học sinh nhà trường.

Thời điểm đó, có 131 học sinh và 9 thầy cô đang ở lại. Nhờ sự trợ giúp của các cán bộ lãnh đạo và lực lượng công an xã, các thầy cô đã đưa học sinh di tản an toàn đến Nhà văn hóa thôn Piềng Láo và điểm trường Mầm non Piềng Láo (thuộc địa bàn xã Mường Hum).

Khoảng 10 giờ sáng, quả đồi phía sau trường sạt xuống làm sập hoàn toàn dãy nhà gồm 16 phòng ở bán trú của học sinh nam bị sập hoàn toàn, khu vực nhà 5 tầng dành cho học sinh nữ và giáo viên bị đất đá sạt vào tầng 1, với 150 giường tầng, 50 tủ đồ học sinh, 60 quạt treo, bóng điện, chăn màn… cũng bị hư hại. Không những thế, khu vực nhà vệ sinh và toàn bộ hệ thống đường nước cho trường bị vùi lấp. Nguồn nước khe bị lũ kéo sập, chỉ duy trì tạm thời.

“Chỉ 2 tiếng ngắn ngủi, nếu không di tản kịp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi quá may mắn…” – thầy Vũ Xuân Quế – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi nhớ lại diễn biến ngày hôm đó.

Plantes (3).png

Ngày đầu tiên di tản, không kịp chuẩn bị gì nhiều, cả thầy và trò đều thấm mệt. Trời mưa tầm tã khiến học sinh cũng không mang theo kịp nhiều đồ, nhiều em chỉ có duy nhất bộ quần áo trên người.

May mắn đến được nơi tạm trú an toàn, song, thầy trò nhà trường vẫn bị cô lập do tuyến đường đến xã Mường Hum bị sạt lở nghiêm trọng.

Thầy Quế chia sẻ: “Nhà trường đảm bảo khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” khi thiên tai xảy ra. Trước tình hình đó, nhà trường đã nhanh chóng điều phối, sắp xếp để đảm bảo chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh. Biết thông tin khu vực bị cô lập do sạt lở, ngay trong ngày đầu tiên, nhà trường cũng mua thêm lợn của người dân để thịt và cung cấp thực phẩm ngay tại chỗ, đảm bảo dinh dưỡng cho các em”.

Trực tiếp phụ trách công tác bán trú, thầy Nguyễn Thành Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát cũng cho biết: “Từ việc đang sinh hoạt theo nền nếp tại nhà bán trú của trường, các em phải phân tán ra ở hai địa điểm, thiếu thốn mọi bề về chỗ nấu nướng, chỗ tắm giặt cũng như rơi vào cảnh thiếu nước, mất điện, mất sóng điện thoại…, nên các thầy cô phải luân phiên túc trực, động viên từng chút một, để ổn định tâm lý cho các em.

Thầy cô cũng là người trực tiếp khắc phục mọi điều kiện khó khăn của nơi ở mới trong những ngày phải di tản, từ việc tự tay làm giá phơi quần áo, đến việc đi “bắt nước” và chuẩn bị chỗ nấu nướng cho học sinh. Đồng thời, các thầy cô cũng chủ động dọn dẹp và sắp xếp chăn màn, quần áo cho các em để đảm bảo sức khỏe.

Mặc dù tất cả đều diễn ra trong không khí hối hả, khẩn trương, nhưng nhà trường vẫn cố gắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em. Dù sinh hoạt, nghỉ ngơi có thiếu thốn một chút, nhưng đó sẽ là điều tốt nhất cho các em ngay tại thời điểm này, vì sạt lở liên tục xảy ra, các em chỉ có thể ở lại đây mới đảm bảo an toàn”.

Plantes.png

Ký ức ấm áp từ những ngày không quên

Mặc dù đến ngày 12/9, đường từ trung tâm huyện Bát Xát đến xã Mường Hum đã được thông trở lại, song, có lẽ, với thầy và trò Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát, những ngày đi ở nhờ nhà văn hóa và trường mầm non này vẫn sẽ là những kỷ niệm khó quên.

Ngay khi di tản đến địa điểm an toàn, các thầy cô luôn miệng hỏi han từng học sinh, xem có cần gì, thiếu gì không, để kịp thời hỗ trợ.

Plantes (1).png

Cô giáo Nguyễn Thị Yến – Bí thư Đoàn Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát bồi hồi nhớ lại: “Vì di tản trong tình thế khá cấp bách, cả thầy và trò đều không mang theo được nhiều đồ dùng cá nhân. Cho nên, khi ấy, các thầy cô chia nhau đi mượn bà con trong thôn nào là củi đốt, nào là nồi, niêu, xoong, chảo để phục vụ nấu nướng, đảm bảo bữa ăn cho các em. Có những em không kịp mang theo quần áo, hoặc mang theo nhưng bị dính nước mưa, ướt hết, chúng tôi cũng cố gắng tìm cách mượn hoặc xin quần áo cho các em thay…”.

Không chỉ chăm lo cho học sinh về mặt vật chất, đảm bảo về sức khỏe, các thầy cô giáo cũng trở thành “điểm tựa” tinh thần cho học sinh, nhất là khi xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng mà khu vực lại bị mất điện, mất sóng điện thoại, không thể thông tin liên lạc về gia đình.

Thầy Trung cho biết, cũng có những em học sinh muốn khoác balo, đi bộ về nhà, nhưng vì điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, cũng như hiện tượng sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nên nếu di chuyển, các em sẽ gặp nguy hiểm. “Chỉ có ở lại địa điểm này, mới là an toàn nhất cho các em” – thầy Trung đã dặn dò học trò như vậy.

“Ban đầu, có những em thể hiện rõ sự hoang mang, sốt ruột vì không thể liên lạc với người thân, gia đình. Chúng tôi phải động viên từng em, không nên quá lo lắng, mà hãy yên tâm, sẽ sớm có thể kết nối lại thông tin liên lạc với gia đình.

Song song với đó, các thầy cô được cắt cử thay phiên nhau sát sao, đồng hành với học sinh, liên tục cập nhật sĩ số, có khi điểm danh học sinh đến 5-6 lần/ngày.

Ấy vậy, vẫn có những lúc, thầy cô phải tá hỏa đi tìm học sinh. Bởi, ở nhà văn hóa và điểm trường mầm non còn thiếu thốn về nước sinh hoạt, có những em phải mò mẫm qua nhà dân để xin tắm nhờ, nhưng lại chỉ kịp truyền đạt với các bạn mà chưa thông qua thầy cô… Tất cả những lúc ấy, các thầy cô đều lo lắng, “lòng như lửa đốt”, vội vã đi tìm kiếm học sinh. Nhưng quả thực, đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ đối với cả các thầy cô lẫn các em” – cô Yến tâm sự.

Đặc biệt, có những học sinh vì bị ngấm nước mưa, nên khi đến điểm di tản, cũng có dấu hiệu bị ho, sốt nhẹ, các thầy cô lại là người túc trực ngay bên cạnh, đảm bảo sức khỏe cho các em.

Trong suốt những ngày này, mặc dù phải duy trì sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn hơn so với thường lệ, song, nhờ có sự quan tâm ân cần, chu đáo của các thầy cô miệt mài sớm tối để chăm lo như gia đình thứ hai, mà tình cảm thầy trò lại được dịp càng thêm ấm áp. Bên trong những gian phòng tràn ngập sự yêu thương, trái tim như càng thêm ấm nóng giữa những ngày mưa lạnh phủ kín núi đồi mênh mang ở bên ngoài.

Plantes (4).png

Hành trình mới cho tương lai mới của ngôi trường

Sau khi đường thông, toàn bộ học sinh đã được gia đình đón về nhà. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát lại bước vào giai đoạn gấp rút dọn dẹp, chuẩn bị điều kiện đảm bảo để đón học sinh trở lại trường.

Theo thầy Trung, nhà trường dự kiến bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt tạm thời cho học sinh trong khi chờ có nhà bán trú mới. Mặc dù vậy, trong thời gian tới đây, thầy cô vẫn tiếp tục những giải pháp tạm thời khắc phục điều kiện về khu vực bếp nấu ăn, khu tắm giặt, nhà vệ sinh… để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Ngày 26/9, học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát chính thức trở lại trường để tiếp tục học tập. Cô Yến bộc bạch: “May mắn là cả thầy cô lẫn học trò để mạnh khỏe. Tuy nhiên, tới đây, không chỉ là nỗ lực để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà cả thầy và trò sẽ bước vào khoảng thời gian học chính thức sau khai giảng, với những bài giảng đầu tiên. Như vậy, thầy trò nhà trường đã bị chậm hơn so với các địa phương khác đến 3-4 tuần học. Hy vọng, các em có thể sớm “bắt nhịp” trở lại”.

Plantes (5).png

Chia sẻ thêm về những thách thức trong thời gian tới, thầy Nguyễn Thành Trung cho hay: “Dù được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhưng trước mắt cũng còn thật nhiều những khó khăn. Để nói về việc tạm thời đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt bán trú cho gần 500 con người, không phải là điều dễ dàng”.

Giai đoạn này, toàn cảnh nhà trường giống như một công trường vậy. Toàn bộ các bộ phận đều đang hối hả, chung sức, chung lòng, mong sớm ngày đưa các hoạt động trở lại bình thường”.

Plantes (6).png

Theo tìm hiểu của phóng viên, sẻ chia với những mất mát của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bát Xát, Chương trình “Gieo mầm Thiện tâm” dự kiến sẽ tài trợ xây dựng lại khu bán trú nhà trường với quy mô 5 tầng, 30 phòng ở (10 học sinh/phòng), đủ để bố trí cho 500 học sinh bán trú tại trường có thể sớm trở lại học tập, đặc biệt học sinh lớp 12 có đủ thời gian để học tập và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Thầy Vũ Xuân Quế cũng bày tỏ xúc động trước sự quan tâm này: “Nhà trường xin trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của các cấp chính quyền, lực lượng công an, sự quan tâm sâu sắc của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cũng như các cá nhân, tổ chức đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn trong và sau thiên tai, những tấm lòng đã sưởi ấm trái tim của thầy và trò trong những ngày mưa bão vừa qua.

Đặc biệt, chúng tôi hết sức cảm động trước tình cảm của Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên với Chương trình “Gieo mầm Thiện tâm” dành cho bà con nhân dân chịu ảnh hưởng của bão lũ nói chung, cũng như thầy và trò nhà trường nói riêng.

Chúng tôi hy vọng, với sự chung tay này, thầy và trò nhà trường sẽ sớm tái thiết lại nhịp sinh hoạt, đảm bảo điều kiện, chất lượng dạy và học”.

Chuỗi hoạt động gây quỹ thiện nguyện “Gieo mầm Thiện tâm” được Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên, đối tác phát động gây quỹ từ 19/09 đến hết 30/09/2024. Chương trình được triển khai riêng biệt với Quỹ cứu trợ bão lũ khẩn cấp 250 tỷ đồng đã được Vingroup công bố ngày 12/09/2024.

Chương trình “Gieo mầm Thiện tâm” sẽ tài trợ cho công cuộc tái thiết và khôi phục các ngôi trường bị hư hỏng, hỗ trợ các thầy cô và các em học sinh nhanh chóng trở lại giảng dạy, học tập bình thường.

Sau khu bán trú Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bát Xát, Chương trình “Gieo mầm Thiện tâm” sẽ tiếp tục khảo sát để có thể kịp thời hỗ trợ nhiều trường học có thể trở lại hoạt động bình thường, đồng hành cùng ngành giáo dục miền Bắc. Đây là nỗ lực tiếp theo của Vingroup và các nhà hảo tâm nhằm góp một phần sức lực cho công cuộc tái thiết lại cuộc sống cho người dân vừa chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi và lũ quét.

Plantes (7).png

Mộc Trà

2 giờ hối hả của thầy trò THCS&THPT Bát Xát và nỗ lực tái thiết trường sau bão

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *